Nổi bật

[Blog 3] Nhân ngày Nhà giáo nói chuyện nghề “cao quý”

Bếp Blog
-
Nghề giáo là một nghề cao quý. Mọi người thường nói là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Nhà mình từ ông nội hai bên, bố ruột, chú, dì, bố chồng, gia đình nhà mình và nhà chồng đa phần làm giáo viên hoặc theo nghiệp giáo dục. Từ dạy mầm non, tiểu học, trung học, phổ thông, đại học, thậm chí dạy nghề có đủ cả. Rồi các anh chị em cũng theo đủ các nghề khác nhau, từ đi biển, công nhân, gara ô tô, kinh doanh nhà hàng, luật sư, ngân hàng, bộ đội, bác sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, y sĩ, võ sĩ… đều có.

Mình nghĩ, con người ai làm nghề gì cũng được, miễn là không vi phạm pháp luật và đạo đức thì đều là nghề cao quý cả. Ai cũng có quyền tự hào về nghề nghiệp của mình. Và chỉ khi con người tự hào và tận tâm với công việc của mình, thì lúc đó mới có động lực làm việc và sản sinh ra được những giá trị thực sự cho xã hội. Mình nghĩ vậy.


Mình hiện tại vẫn còn đi học, đồng thời cũng kinh doanh kiếm sống. Không biết sau khi học xong rồi mình sẽ thay đổi nghề nghiệp như thế nào, tư duy sẽ thay đổi ra sao, nhưng việc học và bán hàng online kiếm thu nhập hỗ trợ việc học và cuộc sống ở hiện tại là tương đối ổn. Hai việc bù qua sớt lại bổ trợ cho nhau. Mình cũng có thể tự hào về việc học và việc làm của mình, vì mình chẳng xin của ai, cũng chẳng ăn cắp của ai. Tất nhiên, bản thân mình tự nhắc nhở luôn nhớ ơn đến sự giúp đỡ của nhiều người về mặt vật chất và những lời động viên tinh thần rất lớn lao. Chính họ là những người tiếp thêm sức mạnh để mình bước tiếp trong cuộc sống.

Mình bán hàng online cũng được gần 3 năm. Lúc đầu chập chững làm, dần dần rồi cũng quen. Lúc đó bán hàng trên facebook còn chưa nở rộ như bây giờ. Giờ lướt facebook, 10 cái tít đến 9 cái tít bán hàng. Thượng vàng hạ cám có đủ cả. Lúc đó, cũng nhiều người dè bỉu và nhìn mình với con mắt thương hại và hoài nghi lắm, thậm chí coi thường.

Năm 2015, lúc tốt nghiệp rồi lấy chồng, mình mở thêm một cửa hàng ăn phía sau trường, vừa làm vừa bán hàng online. Nhiều người ủng hộ, gia đình và nhiều bạn bè lớn tuổi, các anh chị ủng hộ và hỗ trợ rất nhiều. Còn nhiều người ngang tuổi và trẻ hơn thì nhìn mình với thái độ dè bỉu và khinh bỉ lắm.

Có thể thấy rằng, một tâm lý rất tự nhiên đối với những sinh viên mới ra trường là mau mau đi tìm việc làm. Ai cũng mong tìm được một công việc phù hợp và kiếm tiền để sống. Vì tâm lý lúc đó ai cũng như vậy, đã ra trường rồi thì chẳng muốn xin tiền của cha mẹ nữa. Xấu hổ và ái ngại lắm. Cha mẹ đã nuôi bao nhiêu năm, giờ cũng đã đến lúc mình tự nuôi mình. Nên lúc đó ai cũng mong tìm cho mình một công việc và ai mà chẳng muốn mình có một công việc “sang trọng”, “quý phái”. Tất nhiên, giữa ước mơ, suy nghĩ và thực tiễn là hoàn toàn khác nhau. Đâu phải ai cũng tìm được việc như ý muốn. Chỉ một số ít tìm được công việc như ý ngay tức thì. Đa phần còn lại thì long đong lận đận một thời gian rồi ổn định dần dần về sau.

Một số ít người nhờ sự nỗ lực và khả năng của bản thân tìm được công việc. Mình thực sự bày tỏ sự tôn trọng và cảm phục với họ. Một số khác thì không hẳn như vậy. Cũng có những loại người đặc biệt, nhà “có điều kiện hơn”, hay đơn giản là bố mẹ là dân thể dục thể thao luyện tập nhiều nên có nhiều “cơ to” hơn nên sắp xếp được chỗ làm sẵn trong các cơ quan, trường học này nọ. Trong số đó, cũng có nhiều người tỏ mặt tự hào hơn đám bạn cùng lứa, rằng ta mới ra trường mà đã có nghề “cao quý” hơn, rằng tao được làm chỗ này chỗ nọ. Tự làm lắm. Chúng mày là lũ đi bán hàng thôi ư. Nói chung, cũng có nhiều người ngửa cái bản mặt lên tinh tướng với đời lắm.

Mình còn nhớ, lúc học cao học, khi giáo viên hỏi han làm quen với lớp, hỏi tên gì, làm ở đâu. Một số người giới thiệu làm việc này ở chỗ kia. Một số khác đi làm nhưng công việc không được “cao quý” nên bảo là chưa đi làm, em chỉ đi học thôi. Mình thì có sao nói vậy, bảo rằng em đang bán hàng online và mở cửa hàng ăn. Không có gì phải xấu hổ với việc mình làm cả. Nhiều người xì xầm, cười khẩy, tưởng gì, con Phượng nó đi bán hàng đấy chúng mày ạ. Thậm chí có những buổi thuyết trình, họ cũng có thái độ như vậy, rằng đi bán hàng nên vấn đề này chắc nó ko hiểu đâu. Vậy chắc là những người không đi bán hàng nên có thời gian đọc sách nhiều hơn? Có nhiều hiểu biết, nhiều đạo đức và “cao quý” hơn chăng? Chỗ này, ông triết gia Xôcrat chỉ đúng một phần thôi.

Trong số nhiều người chậc lưỡi với mình, cười khẩy mình, vài thời gian sau cũng mon men bán hàng theo. Có người xấu hổ còn không dám lấy facebook của bản thân bán mà lập page để bán, hoặc bán trên zalo giấu mặt. Được một thời gian thì cũng dẹp. Tất nhiên, bán hàng bằng facbook thật, có độ tin cậy và xác thực về người bán còn chưa ăn ai. Lập một page mới để bán hàng thì cũng chỉ là học trò choắt của triết gia Thomas More mà thôi.

Có thể một vài người cảm thấy xấu hổ với người khác vì ta “sang chảnh” như thế này, ta “cao quý” như thế này mà đi bán hàng online thì xấu hổ chết. Nhưng thay vì xấu hổ với người khác, họ cũng nên xấu hổ với chính mình, với chính những suy nghĩ và lời nói của mình đối với những người khác trước đó. Họ khinh người khác vì làm công việc như vậy, giờ họ đi làm như vậy, chẳng khác gì họ đang tự sỉ vả chính mình.

Hồi mình mở cửa hàng, nhiều bạn sinh viên đang còn đi học ra mua hàng. Thấy mình trộn bánh tráng trộn đứng mà chậc lưỡi thương hại, coi thường lắm, giống như là mấy em ấy “xấu hổ giúp” cho mình vậy. “Ô chị Phượng đi bán hàng à?”, “Học bằng giỏi rồi ra trường bán hàng à?” (chị không những có bằng đại học loại giỏi mà còn có cả một giải nhất nghiên cứu khoa học cấp trường nữa đó em), “Em sau này ra trường em không bán hàng như chị đâu”, “Em sau này ra trường đi lấy chồng, em bắt chồng em đưa em đi dụ lịch khắp nơi, bắt chồng nuôi chứ chẳng muốn đi làm”, em sẽ thế này em thế nọ… tưởng chị thế nào, ai dè chị đi bán hàng này nọ… 

Nói chung, mỗi người một suy nghĩ và một cách nhìn nhận. Mình cũng chẳng nói điều gì với các bạn. Mình vẫn cứ vừa học và kiếm sống. Không ai chết vì sự khinh thường của người khác. Chỉ có chết vì không làm để mà kiếm sống mà thôi. Thay vì xấu hổ vì phải đi bán hàng kiếm tiền, thì hãy nên xấu hổ vì chỉ biết ăn bám và dựa dẫm người khác. Từ sân trường Nhân Văn bước ra đường Nguyễn Trãi, hay bước ra ngõ 336 chỉ có vài bước chân thôi. Nhưng đó là khoảng cách dài giữa những mơ mộng và ước muốn của đời sinh viên với thực tiễn của cuộc sống. Ai cũng có quyền mơ ước và mong muốn có một tương lai tốt đẹp với những nghề nghiệp phù hợp. Bước ra khỏi giảng đường đại học bước vào cuộc sống sẽ là một chân trời khác. Thực tế là như vậy. Nhiều em sinh viên chậc lưỡi thương hại với mình tốt nghiệp xong với những mong mỏi về những nghề nghiệp “không phải dạng vừa đâu” rồi cũng tìm được nhận vào làm trong các hãng Hàng Không (ăn hàng ở không). Rồi đói đầu gối cũng phải bò, rồi một số cũng bán hàng online “lạc trôi” các kiểu. Nhìn lại, còn đâu là “em của ngày hôm qua ú u u ù…

Nói chung, mình vẫn giữ quan điểm của mình. Nghề nào cũng là nghề cao quý. Sự cao quý không phải nằm ở cái tên của nghề nghiệp, mà nằm ở con người, sự tận tụy, trách nhiệm và đạo đức với công việc. Điều này mình đã học được rất nhiều từ các thầy cô và những người xung quanh, ở Việt Nam cũng như ở Nga.

Lúc mới sang, học tiếng Nga rất khó, nhiều lúc cũng nản và lười không làm bài tập. Nhưng chính sự nhiệt tình và trách nhiệm đến mức “thuần khiết” của các cô giáo mà khiến bản thân mình tự thấy xấu hổ và nhắc nhở mình phải học. Vì lúc này, học không còn là mỗi nhiệm vụ của bản thân nữa, nó còn là sự trả ơn đáp lại sự nhiệt tình, trách nhiệm và tận tâm của các cô giáo dạy tiếng Nga. Cô giáo chủ nhiệm lớp tiếng Nga ngày nào cũng dậy từ 5 giờ sáng để đi từ ngoại thành vào trường, tan ca lúc 9 giờ tối, đi tàu điện ngầm và xe bus thêm hai tiếng mới về tới nhà. Chưa trễ và bỏ dạy một ngày nào. Thầy giáo trên khoa Triết gần 70 tuổi ngày nào cũng đi phương tiện công cộng từ ngoại thành vào lên khoa làm việc đến tối mịt. Thầy Hiệu phó Kirabaev là giáo sư khoa học đầu ngành lịch sử triết học không đi ô tô của trường đưa đón, ngày nào cũng 8, 9 giờ tối đứng bắt xe bus trước cổng trường cùng với sinh viên để về nhà. Những người cào tuyết miệt mài từ 3 giờ sáng giữa trời rét căm căm âm mấy chục độ hì hục cào, đục tuyết để sáng sớm hôm sau có con đường sạch tuyết để chúng ta đi làm, đi học. Công việc của họ thì quá nặng nhọc và khổ cực. Rồi những người dọn dẹp vệ sinh trong ký túc xá, những người quét đường, những người bảo vệ… Ai cũng làm việc với tinh thần và trách nhiệm hết mình.

Dù rằng, có thể nhìn ở một góc độ khác, trong môi trường mà việc làm là nhu cầu cấp thiết và cơ sở của đời sống, nếu họ không làm việc hiệu quả, họ sẽ bị đào thải. Thất nghiệp sẽ là một điều tồi tệ với mỗi người, họ không có tiền để sống, thuê nhà… (khác ở việt nam, thất nghiệp thì về thầy u nuôi), rồi họ không có hợp đồng lao động, không có hợp đồng lao động thì không được làm khẩu tạm trú… Nên họ cũng không có cách nào khác là phải làm việc, hơn thế nữa làm việc hết mình. Nhưng xét về khía cạnh ý thức nghề nghiệp, thì rõ ràng, sự tận tụy và trách nhiệm của họ với công việc họ đang làm là điều cần và phải luôn luôn học tập.

P/s: Sau khi đọc lại bài, tôi rút ra 4 điều như sau:
1. Bài viết này không nhằm đả kích và ám chỉ ai
2. Bài viết này có thể tạo nguồn cảm hứng cho các bạn tự khởi tạo công việc cho mình chăng?
3. Tự động viên bản thân mình luôn cố gắng.
4. Luôn nhắc nhở mình biết ơn những người đã giúp đỡ mình trong cuộc sống.

Sau cùng, em xin cảm ơn các thầy cô, anh chị, bạn bè của em và chồng em đã động viên, ủng hộ công việc của em trong thời gian qua rất nhiều. Kính chúc mọi người sức khỏe, an lạc, hạnh phúc viên mãn và tự hào với những công việc và dự án của mình.

Bếp Phượng, Mátxcơva, 17.11.2017

XEM TỬ VI CÙNG CHUYÊN GIA
Tử Vi trọn đời, Tiền tài - Sự nghiệp, Tình duyên - Hôn nhân, Tử tức, Vận hạn
Đặt lịch xem Tử Vi miễn phí tại >> tuvi.school/p/tu-vi.html
Hoặc liên hệ qua zalo: 0389.235.889 (Mrs. Phượng)


Các bài viết hữu ích


Xuất bản Quốc tế

Type and hit Enter to search

Close
Contact Me on Zalo